Nam Long (NLG) doanh thu Quý 4 giảm sâu 63%, nợ ngắn hạn tăng 500 tỷ đồng

Văn Hiến Việt
CTCP Tập đoàn Nam Long (NLG) ghi nhận doanh thu Quý 4 giảm sâu tới 63% so với cùng kỳ, nợ ngắn hạn gia tăng khiến rủi ro nguồn vốn của công ty hiện hữu.

Doanh thu Quý 4 giảm 63%, chủ yếu đến từ hoạt động tài chính

Ghi nhận trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất Quý 4 năm 2022, CTCP Đầu tư Nam Long đạt doanh thu thuần 1.629 tỷ đồng, giảm tới 63% so với cùng kỳ năm 2021. Giá vốn hàng bán cũng đồng thời giảm từ 2.872,6 tỷ đồng xuống chỉ còn 814,6 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 71,6%. Lợi nhuận gộp từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 814,4 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ.

Trong Quý 4, doanh thu hoạt động tài chính ghi nhận ở mức 307 tỷ đồng, tăng gấp 5,4 lần so với năm 2021. Có thể nói rằng hoạt động tài chính đột biến trong kỳ đã trở thành "cứu cánh" cho Nam Long khi mà lợi nhuận kinh doanh trong Quý 4 giảm sút nghiêm trọng.

nam-long-3-1675160627.png
Doanh thu Quý 4 của Nam Long (NLG) giảm sâu tới 63% (Ảnh TL)

Với quy mô doanh thu bị thu hẹp, các chi phí phát sinh trong kỳ đa phần cũng đều giảm theo. Cụ thể thì chi phí bán hàng giảm từ 380,4 tỷ đồng xuống chỉ còn 186,3 tỷ đồng, tương ứng mức giảm khoảng 51%; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm từ 222,5 tỷ đồng xuống chỉ còn 199,2 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 10,5%. Duy chỉ có chi phí hoạt động tài chính tăng từ 51,5 tỷ đồng lên 69,5 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 35%.

Sau khi trừ đi thuế và các loại chi phí, tổng lợi nhuận kế toán sau thuế của Nam Long đạt 589,7 tỷ đồng, giảm 23,3% so với cùng kỳ.

Lũy kế doanh thu của Nam Long trong cả năm 2022 đạt 4.338,8 tỷ đồng, giảm 16,6%. Lợi nhuận sau thuế cả năm đạt 865,5 tỷ đồng, giảm 41,4% so với thực hiện năm 2021. Có thể thấy rằng lợi nhuận Quý 4 chiếm hơn một nửa thực hiện của cả năm, cho thấy Nam Long đã có 1 năm kinh doanh tương đối khó khăn và chỉ phục hồi lại nhờ doanh thu hoạt động tài chính tăng đột biến trong Quý 4 mà thôi.

Hoạt động tài chính cứu thua lợi nhuận cả năm, nợ vay ngắn hạn tăng tới 500 tỷ đồng

Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Nam Long Group ghi nhận ở mức 27.088,5 tỷ đồng, tăng 14,7% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn tăng từ 1.934,2 tỷ đồng lên 3.569,7 tỷ đồng. Hàng tồn kho giảm từ 15.489,9 tỷ đồng xuống chỉ còn 14.828,5 tỷ đồng, giảm 661,4 tỷ đồng trong năm 2022.

Biến động lớn nhất trong tài sản của Nam Long phải kể đến là chỉ tiêu về đầu tư tài chính dài hạn, tăng từ 872,5 tỷ đồng lên 2.135,8 tỷ đồng, tăng tới hơn 2,4 lần. Đây là khoản đầu tư vào công ty liên kết và công ty liên doanh với phân bổ 1.260,7 tỷ đồng đầu tư cho dự án Paragon Đại Phước, chiếm tỷ lệ sở hữu 75%; 750 tỷ đồng đầu tư cho NNH Mizuki với tỷ lệ sở hữu 50%; và 834 triệu đồng đầu tư cho Anabuki NL, tương đương 30,59% tỷ lệ nắm giữ.

Trong cơ cấu tài sản của Nam Long, nợ phải trả chiếm gần một nửa nguồn vốn, chiếm 13.773,4 tỷ đồng. Đáng chú ý là nợ ngắn hạn gia tăng từ 6.317,6 tỷ đồng lên 8.850,9 tỷ đồng, tương đương với việc gia tăng 2.533,3 tỷ đồng chỉ tính riêng trong năm 2022. Chỉ tính riêng nợ vay ngắn hạn đã tăng hơn 500 tỷ đồng trong năm 2022, lên mức 1.804,1 tỷ đồng, cho thấy rủi ro tài chính mà đơn vị này đang phải gánh chịu. Vốn chủ sở hữu của Nam Long đạt 13.315,1 tỷ đồng, giảm nhẹ so với thời điểm đầu năm.

Lưu chuyển dòng tiền kinh doanh âm hàng trăm tỷ đồng

Một vấn đề nữa nảy sinh trong hoạt động kinh doanh của Nam Long Group phải kể đến chính là lưu chuyển tiền tệ trong kỳ. Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Nam Long âm tới 225 tỷ đồng, chủ yếu là do (tăng) giảm các khoản phải thu, hàng tồn kho. ngoài ra, tiền lãi vay phải trả trong kỳ tăng từ 82,6 tỷ đồng lên 117,9 tỷ đồng cũng gây áp lực lên dòng tiền của Nam Long Group.

Gặp khó khăn về dòng tiền trong hoạt động kinh doanh nhưng lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư của Nam Long lại ghi nhận âm 547,4 tỷ đồng, so với âm 2.005,6 tỷ đồng, cho thấy quy mô đầu tư của công ty trong năm 2022 đã suy giảm đáng kể. Đáng chú ý, trong kỳ ghi nhận tiền chi cho vay, mua công cụ nợ của các đơn vị khác tăng từ 754,7 tỷ đồng lên 3.419,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính ghi nhận ở mức 1.434,1 tỷ đồng. Trong đó tiền thu từ đi vay chiếm 3.595,4 tỷ đồng, trong khi công ty mới trả 2.021,4 tỷ đồng cho các khoản nợ mà thôi.